Quân chủ của Sagaing Sithu Kyawhtin

Tại Mohnyin, Sithu Kyawhtin trở thành một nhân vật trong tâm trong kế hoạch của anh kết nghĩa Sawlon II nhằm lật đổ Quốc vương Hkonmaing tại Ava. Quân chủ của Mohnyin có bất mãn sâu sắc với Hkonmaing (người nước Onbaung), người này được trao vương vị của Ava sau khi Thohanbwa (người Mohnyin) bị ám sát. Sawlon II cho rằng vương vị của Ava đáng lý thuộc về Mohnyin do cha mình là Sawlon I từng lãnh đạo Liên minh các quốc gia Shan giành thắng lợi trước Quốc vương Narapati II của Ava vào năm 1527, và anh của mình là Thohanbwa từng cai trị Ava từ năm 1527 đến năm 1542. Tuy nhiên, Sawlon II cùng với những thủ lĩnh khác trong liên minh miễn cưỡng chấp thuận để Hkonmaing làm tân vương của Ava do mối đe dọa hiển hiện từ Toungoo.[8] Tuy nhiên, sau những thất bại quân sự liên tiếp tạo cơ hội cho Toungoo đoạt được Trung Miến cho đến Pagan (Bagan), Sawlon II không còn chịu đựng được sự lãnh đạo của Hkonmaing. Trong tháng 4/5 năm 1545, Sawlon II phái Sithu Kyawhtin đem một đạo quân (5000 binh sĩ, 800 ngựa, 60 voi) đi lật đổ Hkonmaing.[5]

Sithu Kyawhtin và đạo quân của ông tiếp quản thành Sagaing bên bờ tả của sông Irrawaddy ở ngay bên kia của Ava, song không thể chiếm được thành Ava được phòng vệ nghiêm ngặt.[5] Tàn dư của Vương quốc Ava nay tiếp tục bị phân thành hai nửa: phần do Mohnyin kiểm soát ở phía tây của sông Irrawaddy (nay là vùng Sagaing và miền nam bang Kachin), và nửa phía đông do Hsipaw/Onbaung kiểm soát (khoảng miền bắc vùng Mandalay và miền tây bang Shan). Hai nửa duy trì chiến tranh ngay cả sau khi Hkonmaing từ trần vào khoảng tháng 9 năm 1545. Nhằm đối phó với kẻ thù ở bên kia sông, tân vương của Ava là Narapati III lập tức cầu hòa với Toungoo, và nhượng Trung Miến cho Toungoo để đổi lấy hòa bình.[5]

Do biên giới phía nam được đảm bảo, Narapati III nỗ lực tái chiếm Sagaing. Ông ta ban đầu phái một đoàn đến trình bày trước Sithu Kyawhtin, song bị từ chối. Sau đó, Narapati III tấn công Sagaing song bị đẩy lui. Trong khi đó, Sithu Kyawhtin chứng tỏ là một quân chủ tài năng và giành được sự ủng hộ của dân cư trong khu vực. Ông thậm chí còn phóng thích các tù binh sau khi điều trị thương tích của họ, cho phép họ đi bất cứ nơi nào mà họ muốn. Nhiều người đến và gia nhập lực lượng của ông. Trong vài năm sau đó, ông trở thành một quân chủ hùng mạnh.[9]

Việc Sithu Kyawhtin giành được sự ủng hộ đại chúng và ngày càng độc lập trong các chính sách khiến chủ của ông là Sawlon II cảm thấy bị đe dọa. Khoảng năm 1548/49,[note 3] Sawlon II hành quân đến Sagaing song nhận thấy rằng chư hầu danh nghĩa của mình nay có vị thế mạnh hơn nhiều. Hai anh em kết nghĩa họp gần chùa Ponnya Shin gần Sagaing, và giải quyết những khác biệt, Sawlon II chấp thuận lui quân, hai quân chủ vẫn là đồng minh.[9]

Sithu Kyawhtin khôi phục chiến tranh với Ava trong tháng 9 năm 1551.[note 4] Ông có thể đã thúc đẩy tân vương của Toungoo là Bayinnaung tiến hành các chiến dịch nhằm khôi phục đế quốc. Thật vậy, Bayinnaung và quân của mình nỗ lực xâm chiếm Thượng Miến vào cuối tháng 9 trong lúc quân Sagaing của Sithu Kyawhtin đang bao vây Ava. Tuy nhiên, quân Toungoo quyết định đối phó với Pegu trước, và rút về.[10] Ngay sau đó, Quốc vương Narapati III bỏ cuộc và chạy về phía nam với Bayinnaung.[10]